Thị phần thị trường thép Việt có những biến động nhất định trong tháng đầu năm. Nhiều công ty lựa chọn gia tăng thị phần ống thép và tôn mạ trong khi thép cuộn cán nóng (HRC) lại được nhiều công ty khác thúc đẩy tiêu thụ. Formosa Hà Tĩnh vẫn đứng đầu cả nước về sản lượng sản xuất HRC, tuy nhiên đã mất dần vị thế độc tôn của mình khi phải chia sẻ thị phần với Hòa Phát.
1. Thị trường thép khởi đầu năm mới với nhiều dấu hiệu khả quan
Lần bùng phát dịch COVID-19 thứ 3 tại Việt Nam đã dần được kiểm soát. Trong bối cảnh đó, các hiệp định thương mại tự do như EVFTA, CPTPP đã được đẩy mạnh thực thi. Điều này khiến các lĩnh vực của nền kinh tế có thêm động lực để phục hồi và phát triển hoạt động trong trạng thái bình thường mới.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê (GSO), chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 1/2021 ước tính tăng 22,2%. Đóng góp hơn 1/5 mức tăng chung, ngành chế biến – chế tạo tăng 27,2% so với tháng 1/2020.
Cùng với đà tăng này, sản xuất thép thành phẩm các loại trong tháng 1 cũng tăng 60% so với cùng kỳ năm trước; đạt mức hơn 2,65 triệu tấn. Bán hàng thép thành phẩm các loại tăng 55%, đạt mức 2,11 triệu tấn. Trong đó, xuất khẩu đạt gần 458.000 tấn, tăng 61% so với tháng 1/2020.
Lý giải cho mức tăng này, nhiều chuyên gia cho rằng việc Tết Nguyên đán 2021 rơi vào giữa tháng 2 là nguyên nhân chủ yếu. Tết Nguyên đán năm ngoái diễn ra vào tháng 1 và các hoạt động nghỉ Tết đã khiến sản lượng năm ngoái tương đối thấp.
2. Ghi nhận sự tăng trưởng tiêu thụ trong tất cả nhóm mặt hàng thị trường thép
Theo số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), tất cả nhóm mặt hàng trên thị trường thép đều ghi nhận sự tăng trưởng tiêu thụ trong tiêu thụ. Mức tăng trưởng cao nhất là thép cuộn cán nóng (HRC) với 148,2%, thấp nhất là thép xây dựng với 10,6%.
Trong tháng đầu năm 2021, các doanh nghiệp thành viên của VSA đã tiêu thụ tổng cộng 669.000 tấn thép xây dựng, cao hơn 10,6% so với cùng kỳ. Cơ cấu các tiêu thụ của các doanh nghiệp cũng có sự thay đổi mạnh mẽ khi Hòa Phát sụt giảm tại nhiều lĩnh vực như tiêu thụ thép xây dựng và sản lượng xuất khẩu.
Ở mảng ống thép, Hoa Sen bất ngờ vượt qua Hòa Phát với 22,76% thị phần, đạt mức 40.359 tấn. Trong khi đó, Hòa Phát đạt mức tiêu thụ 39.994 tấn, tương đương 22,56% thị phần. Đây là bước đột phá của Hoa Sen khi năm 2020, thị phần ống thép của Hoa Sen và Hòa Phát lần lượt là 16,8% và 31,7%.
3. Hòa Phát nhập cuộc, Formosa mất thế độc tôn sản xuất HRC
Với việc đẩy mạnh sản xuất và sản lượng tiêu thụ HRC, Hòa Phát đã góp phần giảm bớt thế độc tôn của Formosa. Trong tháng đầu năm 2021, Hòa Phát sản xuất 189.000 tấn HRC và tiêu thụ trên 252.000 tấn. Mức tiêu thụ này đánh dấu sản lượng tiêu thụ HRC cao nhất từ trước đến nay của Hòa Phát và và đóng góp vào tăng trưởng chung của thị trường HRC.
Sau khi tiêu thụ tồn kho HRC từ năm 2020, tồn kho tính đến cuối tháng 1 của Hòa Phát là gần 47.000 tấn. Mục tiêu năm 2021 của Hòa Phát là sản xuất 2,7 triệu tấn HRC, cao gấp 4 lần năm ngoái.
Hòa Phát mới bắt đầu sản xuất HRC từ tháng 5/2020 và đã cán mốc 1 triệu tấn sản lượng vào ngày 20/2 vừa qua. Điều này giúp đa dạng nguồn cung HRC vì trước đó, chỉ có Formosa Hà Tĩnh là doanh nghiệp duy nhất sản xuất được HRC tại Việt Nam.
Formosa vẫn dẫn đầu thị trường HRC với 369.000 tấn HRC sản xuất và 418.000 tấn tiêu thụ trong tháng 1. Thị trường chính của Formosa vẫn là miền Nam, với hơn 60% lượng tiêu thụ ở thị trường này.
Mới đây, Hòa Phát công bố chiến lược mở rộng sang mảng sản xuất vỏ container để tận dụng giai đoạn cước vận tải biển tăng cao do thiếu hụt container. Việc tăng sản lượng sản xuất HRC mỗi năm cũng là một phần thúc đẩy chiến lược này, với khoảng 1 triệu tấn HRC chất lượng cao để cho ra 500.000 TEU (đơn vị tương đương một container loại 20 feet). Nhà máy sản xuất vỏ container của Hòa Phát có thể đi vào hoạt động từ Quý II/2022.
Source: Vietnambiz