Theo số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), tháng 11 ghi nhận sự tăng trưởng so với cùng kỳ 2019 của thị trường thép trong cả sản xuất, bán hàng và xuất khẩu. Tuy nhiên, gộp chung 11 tháng năm 2020, sản xuất và tiêu thụ thép vẫn gần như đi ngang do những tác động của đại dịch Covid-19.
1. Thị trường thép tháng 11 tiếp tục trên đà tăng trưởng
Tháng 11 ghi nhận mức tăng trưởng đạt 4,34% so với tháng 10 và 15,6% so với cùng kỳ năm 2019 trong sản xuất thép các loại, theo số liệu từ VSA.
Bên cạnh đó, bán hàng thép các loại cũng tăng mạnh đạt mức hơn 2,4 triệu tấn, tương đương mức tăng 36,9% so với tháng 10 và 20,9% so với cùng kỳ năm 2019. Đây cũng là con số kỷ lục trong bán hàng thép các loại, tính từ tháng 3/2019 tới nay.
Xuất khẩu tháng 11 cũng ghi nhận mức tăng trưởng khả quan đạt trên 478.300 tấn. Con số này vượt mức xuất khẩu tháng 10 (tương đương tăng 21,52%) và cùng kỳ tháng 11 năm 2019 (tương đương tăng 40%).
2. Tổng kết 11 tháng năm 2020, thị trường thép vẫn đi ngang
Tuy ghi nhận nhiều mức tăng trưởng tích cực trong tháng 11, tính lũy kế 11 tháng năm 2020 vẫn đi ngang cả trong sản xuất, bán hàng và xuất khẩu thép các loại. Cụ thể, tính chung 11 tháng vừa qua, sản xuất thép các loại chỉ tăng 1% so với 11 tháng đầu năm 2019, đạt 23,3 triệu tấn. Bán hàng thép so với 2019 còn đạt mức tăng trưởng âm 1%, chỉ đạt 21 triệu tấn. Xuất khẩu là lĩnh vực ảm đạm nhất khi giảm 2,8% so với cùng kỳ 2019, chỉ đạt 4,1 triệu tấn.
Tình hình sản xuất thép thành phẩm năm 2020. Nguồn: VSA
Tình hình bán hàng thép thành phẩm tháng 11 với mức tăng khá mạnh. Nguồn: VSA
3. Thị trường nguyên liệu sản xuất tăng mạnh
Thị trường nguyên liệu sản xuất thép cũng trên đà tăng mạnh, ảnh hưởng trực tiếp đến giá bán của thép thành phẩm. Giá quặng sắt đầu tháng 12 tăng khoảng 16-17% so với đầu tháng 11. Bên cạnh đó, thép cuộn cán nóng HRC cũng ghi nhận mức tăng nhanh chỉ trong chưa tới 1 tuần. Từ giá bán 592 USD/tấn vào ngày 2/12, thép cuộn cán nóng đã tăng đến mức 700 USD/tấn vào ngày 8/12.
Có thể nói, ngành thép đã đối mặt với nhiều khó khăn thử thách trong suốt một năm qua, phần lớn là do đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia trên thế giới. Tính từ thời điểm ca nhiễm đầu tiên được phát hiện tới khoảng giữa năm 2020, tình hình sản xuất, tiêu thụ, và đặc biệt là xuất khẩu thép hầu như không tăng trưởng. Đỉnh điểm nhất là vào tháng 1 và tháng 5, mức sản xuất thép thành phẩm lần đầu tiên xuống dưới 20 triệu tấn.
Vì vậy, những tín hiệu tăng trưởng tháng 11 cho thấy nền sản xuất dần phục hồi trong điều kiện bình thường mới. Theo VSA, việc sản xuất kinh doanh, thương mại và tiêu dùng tiếp tục tăng trưởng là nhân tố tạo đà tăng trưởng cho thị trường thép.
Theo NDH