Trong những tháng gần đây, giá các nguyên liệu đầu vào như quặng sắt, sắt phế liệu, than cốc… liên tục tăng do nhiều nước tăng thuế suất xuất nhập khẩu sắt phế liệu. Điều này đã khiến cho giá sắt thép xây dựng thành phẩm trong nước tăng mạnh, gây ra nhiều khó khăn cho người dân và doanh nghiệp xây dựng.
Giá thép xây dựng liên tục tăng
Trong những tháng gần đây, do ảnh hưởng của giá nguyên liệu đầu vào mà giá thép xây dựng liên tục tăng. Giá thép Hòa Phát, Việt Ý đều đạt trên mức 15.000 đồng/kg cho thép cuộn CB240 (lần lượt là 15.120 đồng và 15.130 đồng). Thép Việt Đức đang ở mức giá 14.980 đồng/kg, trong khi Thép Kyoei có giá 15.080 đồng/kg. Thép Mỹ hiện đang có mức giá cao nhất, lên tới 15.230 đồng/kg.
Việc thép xây dựng liên tục tăng giá đã gây ra nhiều khó khăn cho người dân. Nhiều gia đình đang trong quá trình xây dựng, sửa chữa, cơi nới nhà cửa đã “choáng váng” vì sự leo thang của giá thép trong thời gian gần đây.
Người dân, đại lý thép hoang mang
Anh Lê Hải Trường (Cầu Giấy, Hà Nội) hiện đang trong giai đoạn xây móng nền công trình chia sẻ, mấy ngày gần đây, anh luôn đau đầu vì giá thép liên tục biến động và chưa có dấu hiệu chững lại. Anh Trường cho biết, “chi phí xây dựng tăng thêm khá nhiều. Chỉ tính riêng tiền mua sắt thép trên cùng một diện tích sàn xây dựng giá đã tăng 25 – 30 triệu đồng so với thời gian sau Tết. Cách đây một tuần, tôi dạo qua một vài cửa hàng để mua thép thì được báo giá 14,5 triệu đồng/tấn mà chỉ sau vài ngày, khi đến đặt tiền thì giá đã lên gần 16 triệu đồng/tấn”.
Cũng theo khảo sát tại một số đại lý sắt thép trên địa bàn Hà Nội, trong thời gian gần đây, các nhà máy liên tục có thông báo thay đổi giá các mặt hàng. Ông Nguyễn Bình Tráng, chủ đại lý sắt thép tại phố Nguyễn Đình Hoàn (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết giá sắt thép xây dựng trong tháng vừa qua mặc dù không tăng “phi mã” như vào cuối năm 2020 nhưng cũng khó hạ giá. Ông cho biết thêm, “từ đầu năm đến nay, các nhà máy đều đồng loạt có đợt tăng giá mới, tuy không mạnh như năm trước nhưng điều đó chứng tỏ giá thép chưa thể giảm ngay”. Ngoài ra, ông cũng chia sẻ rằng trong tháng 3 vừa qua, giá thép được điều chỉnh lên nhiều lần khiến ai cũng kêu đắt. “Giá dao động từ 12.000 – 16.000 đồng/kg, chưa tính tới VAT và chiết khấu bán hàng. Thậm chí mỗi lần gọi điện báo đơn hàng, lại được báo một giá khác, thành ra khó bán”.
Theo tổng hợp thống kê từ Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), trong nửa năm trở lại đây, thép xây dựng đã tăng giá nhiều lần. Mức giá thép trên địa bàn TP Hà Nội hiện nay dao động từ 14 – 16 triệu đồng/tấn, tăng khoảng 1,3 triệu đồng/tấn so với mức giá tháng 10/2020 và được dự báo sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao.
Đại diện VSA nhận định, “tình hình lũ lụt ở Australia khiến cho việc khai thác quặng sắt, than cốc khó khăn nên quốc gia này tăng giá xuất khẩu. Trong khi đó một số quốc gia cũng tăng thuế xuất nhập khẩu sắt thép phế liệu. Đơn cử, Malaysia mới ra thông báo, tăng thuế xuất khẩu phế liệu sắt thép từ 0% lên 15%… với tình hình này thì trong thời gian tới giá thép sẽ tiếp tục tăng”.
Các doanh nghiệp xây dựng “ngồi trên đống lửa”
Ông Phạm Hoàng Tùng, phó Tổng Giám đốc Công ty CP Pusco cho biết, so với quý III/2020, giá thép hiện nay đã tăng từ 10 – 20%. Riêng thép cây, thép ống kể từ đầu tháng 3/2021 đã tăng thêm ước tính 20%. Giá thép xây dựng tăng cùng với nguồn cung thấp đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ xây dựng. Dự án chậm tiến độ, giá thành xây dựng cao vượt dự tính… khiến hiệu quả xây dựng của nhà thầu giảm. “Điều này khiến doanh nghiệp như ngồi trên đống lửa. Hợp đồng sản xuất đã được ký kết từ năm 2020, chưa tính đến giá nguyên liệu lại tăng cao vượt dự kiến. Bên cạnh đó, vì không đoán trước được nhu cầu xây dựng sẽ dùng loại thép nào nên công ty không tích trữ nhiều” – ông Tùng nói.
Ông Tùng cũng chia sẻ thêm, thời gian gần đây, doanh nghiệp đã trúng một gói thầu xây dựng trị giá hàng trăm tỷ đồng nhưng thời điểm đó giá thép khoảng 11 triệu đồng/tấn. Tới khi tiến hành thi công thì giá thép xây dựng đã “đội” lên tới hơn 13 triệu đồng/tấn, hiện nay là xấp xỉ 16 triệu đồng/tấn. Với những hợp đồng như vậy, công ty chỉ mong hòa vốn, không phát sinh nhập thêm nguyên liệu quá nhiều. Trong khi đó, nhiều công trình đấu thầu của doanh nghiệp chỉ dự phòng ngân sách khoảng 5% nhưng đều phê duyệt dự toán chi phí vật liệu theo đơn giá của năm 2020. Điều này đã khiến không ít doanh nghiệp đau đầu vì không thể duy trì quy mô sản xuất để ổn định việc làm cho công nhân, người lao động.
“Trong nước, thông thường vào thời điểm sau Tết âm lịch cũng là “mùa xây dựng” nên nhu cầu về thép và nguyên liệu khác tăng cao. Từ tháng 9/2020 đến nay, hầu như giá thép xây dựng tăng liên tục. Chu kỳ tăng là 2 tuần, tăng khoảng 2%. Có thời điểm 2 – 3 ngày đã tăng một lần, khiến cho doanh nghiệp xây dựng gặp nhiều khó khăn” – ông Tùng cho biết thêm.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Nghiêm Xuân Đa, chủ tịch VSA cũng cho biết, “các loại nguyên vật liệu sản xuất thép tăng đột biến trên thị trường toàn cầu đẩy giá thép thành phẩm tăng cao. Cùng với đó, việc thiếu hụt nguồn cung thép và thời gian giao hàng kéo dài ở châu Âu, Mỹ, nhu cầu thép tại Trung Quốc tăng nhanh sau dịch bệnh trước đà phục hồi kinh tế và các biện pháp kích thích kinh tế như đầu tư cơ sở hạ tầng… cũng là lý do khiến giá thép tăng mạnh”.
Theo Kinh tế và Đô thị