THÉP CHÍNH ĐẠI – THÀNH DANH THÉP
Sản Xuất và Kinh Doanh Thép Cán Nguội, Thép Cuộn Mạ, Ống Hộp, Thép Hình & Xà Gồ

Telephone: (+84) 221 398 9568
Email: sales@chinhdaisteel.com

NGÀNH THÉP 2020: CÔNG TY THÉP “CẢI TỬ HOÀN SINH”, LIÊN TIẾP THẮNG LỚN

Nhờ biến động tích cực của giá thép thế giới, nhiều doanh nghiệp thép từng suy giảm mạnh trong giai đoạn trước đây (từ 2017-2019) đã thắng lớn và hồi sinh trong năm 2020. 

I. Lợi nhuận tăng gấp nhiều lần, nhiều công ty thép hồi phục

1. Thép Pomina – cú “lộn ngược dòng” ngoạn mục 

Năm 2020 ghi nhận sự “cải từ hoàn sinh” của nhiều công ty thép. Trong đó phải kể đến Thép Pomina (HOSE:POM) với cú “lộn ngược dòng” ngoạn mục. Trong năm 2020, Thép Pomina đã xóa được toàn bộ khoản lỗ lũy kế lên tới 309 tỷ đồng trong năm 2019.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2020 được công bố gần đây, POM ghi nhận doanh thu 2.561 tỷ đồng, giảm hơn 16% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, lợi nhuận gộp lại tăng tới 232 tỷ – cao gấp 2,5 lần con số hồi quý IV/2019 do giá vốn giảm mạnh. Ngoài ra, kết quả đạt được cũng do POM đã tiết giảm đáng kể chi phí lãi vay, chi phí bán hàng và chi phí quản lý trong kỳ. 

POM theo đó báo lãi trước thuế 166 tỷ đồng, cùng với khoản thu nhập khác phát sinh đột biến (hơn 53 tỷ đồng) và cùng kỳ lỗ 52 tỷ. Lợi nhuận ròng tương ứng thu về đạt mức 144 tỷ đồng, cải thiện mạnh so với số lỗ 58 tỷ hồi quý IV/2019. Luỹ kế cả năm, POM ghi nhận 9.885 tỷ doanh thu, lãi sau thuế 16 tỷ đồng, trong khi năm 2019 lỗ ròng lên đến 309 tỷ đồng.

2. Thép Nam Kim ghi nhận sự phục hồi thần tốc 

Thép Nam Kim (HOSE:NKG) cũng ghi nhận sự phục hồi thần tốc. Dù bị suy giảm mạnh trong giai đoạn giai đoạn 2017-2018 do biến chuyển lớn của ngành thép, NKG đang có những chuyển biến tích cực sau nhiều năm tái cấu trúc.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2020 của Nam Kim, doanh thu đạt mức 3.438,5 tỷ đồng, tăng hơn 7% so với cùng kỳ. Lợi nhuận gộp thu về tăng đến 137% lên 307,5 tỷ đồng. Tuy chi phí bán hàng và quản lý trong kỳ tăng nhưng nhờ biến động giá vốn và sự tiết giảm đáng kể chi phí lãi vay, lợi nhuận sau thuế trong quý IV/2020 của NKG vẫn tăng từ mức 7 tỷ lên gần 154 tỷ đồng. Luỹ kế cả năm 2020, NKG đạt 11.614 tỷ doanh thu. Mức doanh thu tuy giảm 5% so với cùng kỳ nhưng lãi ròng đạt 295 tỷ – cao gấp 6,3 lần. 

3. Hoa Sen vượt mốc % kế hoạch năm

Khác với NKG và POM, doanh thu trong năm 2020 vừa qua của Hoa Sen giảm 2% so với năm 2019 và mới chỉ thực hiện được 98% kế hoạch năm, đạt mức đạt 27.534 tỷ đồng. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế của HSG trong năm 2020 lên tới 1.153 tỷ đồng, gấp 3 cùng kỳ và đạt 288% kế hoạch năm.

II. Ngành thép 2021: Rộng cửa tăng trưởng 

1. Xu hướng đẩy mạnh đầu tư vào phát triển cơ sở hạ tầng từ 2021: ngành thép hưởng lợi 

Trong báo cáo chiến lược đầu tư năm 2021 của Công ty Chứng khoán VNDirect, ngành Vật liệu xây dựng được nhận định sẽ hưởng lợi lớn nhất từ xu hướng đẩy mạnh đầu tư vào phát triển cơ sở hạ tầng từ năm 2021.

Theo ước tính của nhóm chuyên gia VNDirect, 40% vốn đầu tư công cho dự án cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ và 11 dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam sẽ được giải ngân trong năm 2021 và 60% chi phí xây dựng (23,7 nghìn tỷ đồng) sẽ được phân bổ vào chi phí nguyên vật liệu.

Giá trị tiêu thụ thép xây dựng trong năm tới có thể đạt 6.400 tỷ đồng. Ngoài ra, để hoàn thành toàn bộ các dự án này đến năm 2023, giá trị tiêu thụ thép xây dựng có thể đạt tới 14.800 tỷ đồng.

VNDirect cũng dự đoán sản lượng tiêu thụ thép xây dựng năm nay cũng sẽ tăng khoảng 10-12% nhờ vào đẩy mạnh đầu tư công. Cùng với đó, thị trường bất động sản nhà ở dự kiến nóng trở lại do lãi suất giảm và nguồn cung mở mới cao hơn cũng là những nhân tố đáng lưu ý. 

2. Giá nguyên vật liệu đầu vào dự kiến dao động có lợi

VNDirect cũng có những nhận định về giá nguyên vật liệu đầu vào trong năm 2021. Theo ước tính, giá quặng sắt bình quân sẽ giảm khoảng 10,5% xuống quanh 85 USD/tấn. Bên cạnh đó, giá than cốc và thép phế liệu bình quân cả năm có thể tăng lên mức 135 USD/tấn (tương đương tăng 12,5%) và 280 USD/tấn (tương đương tăng 3%) trong năm nay. Do đó, biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp thép xây dựng có thể tăng 1-1,5%. 

Đáng chú ý, nhóm chuyên gia nhận định rằng các doanh nghiệp thép xây dựng hàng đầu có thể sẽ giành thêm thị phần trong năm 2021.

3. Sản lượng tiêu thụ tôn mạ dự kiến tăng

Sản lượng tiêu thụ tôn mạ cũng được kỳ vọng tăng 7-10% trong năm 2021. Điều này là hoàn toàn có cơ sở nhờ vào làn sóng chuyển dịch sản xuất sang Việt Nam của các doanh nghiệp FDI và sản lượng xuất khẩu cao hơn do nhu cầu thế giới dần phục hồi.

Tuy vậy, cũng có nhận định cho rằng Hoa Sen và Nam Kim sẽ gặp khó khăn về biên lợi nhuận gộp trong năm 2021 do tình trạng dư cung. Sự tăng trưởng năm 2020 có thể kéo theo sự gia nhập của các doanh nghiệp mới dẫn đến sự cạnh tranh về giá, thêm vào đó là khả năng giảm giá của HRC.

Theo Lao Động

NHẬN BÁO GIÁ NGAY BÂY GIỜ

Nhận báo giá

Liên lạc ngay với chúng tôi để nhận tư vấn chi tiết về sản phẩm

Thông tin liên hệ

Email
sales@chinhdaisteel.com

Hotline
(+84) 221 3989568 – 3989527

Fax
(+84) 321 3989526 – 3989525