Các vụ kiện phòng vệ thương mại với ngành thép Việt gia tăng trong thời gian gần đây vừa là nguy cơ nhưng cũng là cơ hội để doanh nghiệp (DN) làm mới và định vị lại vị trí trên thị trường thông qua việc tái cơ cấu và loại bỏ những mặt hàng không hiệu quả. Đây là ý kiến của ông Nghiêm Xuân Đa – Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) – khi trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo Công Thương.
1. Ngày càng nhiều các vụ kiện, biện pháp phòng vệ thương mại gắt gao với thép Việt trên nhiều thị trường
Tính đến thời điểm hiện tại, thép Việt đã có mặt tại hơn 30 quốc gia trong khu vực và trên thế giới như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, và ASEAN. Trong đó, ASEAN là thị trường xuất khẩu lớn nhất, chiếm hơn 50% sản lượng và giá trị xuất khẩu. Việc phát triển bứt phá của ngành kéo theo việc DN và các mặt hàng thép Việt lọt vào tầm ngắm của các thị trường xuất khẩu (XK). Theo thống kê của VSA tới thời điểm hiện tại, đã có 62 vụ việc liên quan tới ngành thép Việt. Trong đó có 34 vụ chống bán phá giá (CBPG), 3 vụ chống trợ cấp, 6 vụ CBPG và trợ cấp, 13 vụ chống tự vệ thương mại (TVMT), lẩn trốn biện pháp phòng vệ thương mại…
2. Nguyên do từ đâu?
Nguyên nhân trước nhất của tình trạng này là do tình trạng dư thừa công suất toàn cầu. Trong 10 năm trở lại đây, công suất thép luôn lớn hơn sản lượng thực tế với trên 500 triệu tấn/năm. Các thị trường mới nổi cũng dần nâng cao năng lực sản xuất để tự cung ứng cho nhu cầu trong nước. Rất nhiều nước trong số đó dư thừa để XK.
Việt Nam chính là một ví dụ điển hình khi cách đây 10 năm còn là nước nhập khẩu (NK). Lượng thép sản xuất được khi đó còn không đáp ứng được nhu cầu trong nước. Tuy nhiên, trong 5 năm trở lại đây, Việt Nam đã trở thành nước XK thép lớn trong khu vực. Cùng với sự phát triển đó là sự gia tăng về bảo hộ của nhiều quốc gia. Tình hình thương mại toàn cầu trở nên khó khăn hơn và như một xu thế tất yếu khiến ngày càng có nhiều hơn các biện pháp phòng vệ thương mại.
Nguyên nhân thứ ba đến từ sự chủ quan của các DN. Nền kinh tế Việt Nam đã bước vào thị trường quốc tế được một thời gian nhưng không ít DN chưa có sự chuẩn bị bài bản về chiến lược XK. Mặt khác, có nhiều DN bất chấp lợi ích trước mắt để gian lận xuất xứ hay chuỗi giá trị của DN còn hạn hẹp, chưa đáp ứng được xuất xứ hàng hóa.
3. DN ngành thép còn lúng túng trước các vụ việc phòng vệ thương mại
Trước các vụ việc phòng vệ thương mại, DN thép còn lúng túng và thiếu chủ động trong việc chuẩn bị tham gia các vụ kiện. Chỉ có DN bị kiện trực tiếp mới quan tâm. Ngoài ra, nguồn lực để theo đuổi các quy trình điều tra vụ việc của DN rất hạn chế, cả về tài chính và mức độ hiểu biết pháp luật… Tuy nhiên, nếu nhìn vấn đề dưới góc độ tích cực, thép vẫn là ngành đi đầu trong vấn đề PVTM. Các cơ quan chức năng và DN đã bảo vệ khá hiệu quả lợi ích chính đáng của DN sản xuất trong nước.
Trong thời gian qua, VSA cũng đã tăng cường hợp tác với Cục PVTM, Bộ Công Thương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) để hỗ trợ DN ứng phó với các vụ kiện về PVTM. Các DN đã có sự chuẩn bị, chủ động hơn trước các vụ kiện về phòng vệ thương mại. Trong bối cảnh hội nhập và các ràng buộc về việc thực hiện các cam kết của Hiệp định Thương mại tự do (FTA) khiến áp lực cạnh tranh ngày càng gia tăng, việc nâng cao nhận thức của DN về phòng vệ thương mại rất quan trọng.
4. Cần hỗ trợ DN nhiều hơn với các vấn đề phòng vệ thương mại
Đại diện cho VSA và nhiều DN ngành thép, ông Nghiêm Xuân Đa bày tỏ mong nhận được hỗ trợ nhiều hơn từ Bộ Công Thương. Đặc biệt, cần nâng cao hiệu quả và hiệu lực của hệ thống cảnh báo sớm về phòng vệ thương mại cho DN thép. Mặt khác, Chính phủ và cơ quan chức năng như Bộ Công Thương cần tăng cường các biện pháp bảo vệ và giám sát thị trường để kiểm soát nguồn gốc xuất xứ. Cần giảm đến mức tối thiểu những phát sinh ngoài ý muốn. Đặc biệt cần tránh việc DN nước ngoài lợi dụng kẽ hở pháp luật để lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại.
5. Để tự tin hội nhập “sân chơi” quốc tế, DN ngành thép cần gì?
Trên thực tế, các biện pháp phòng vệ thương mại là yếu tố quan trọng trong việc bảo vệ ngành sản xuất trong nước của các quốc gia. Do đó, DN cần chuẩn bị tâm thế sẵn sàng đối mặt với các vụ việc về phòng vệ thương mại bằng việc xây dựng chiến lược kinh doanh rõ ràng, tính trước các nguy cơ rủi ro, các yếu tố phát sinh từ vụ việc PVTM.
Một trong những yếu tố tiên quyết giúp tăng năng lực cạnh tranh để DN tự tin bước ra “sân chơi” quốc tế chính là đầu tư công nghệ mới và hiện đại. Nhiều DN ngành thép đã có sự chủ động trong việc đầu tư, áp dụng công nghệ bài bản nhằm nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm. Điều này không những giúp DN chiếm lĩnh thị trường nội địa mà còn vươn ra thị trường quốc tế.
Ngoài ra, nhiều DN đã mạnh dạn đa dạng hóa thị trường XK nhằm hạn chế những rủi ro trong thương mại quốc tế. Tuy nhiên, để DN Việt tham gia nhiều hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu vẫn cần sự hỗ trợ từ Chính phủ và các cơ quan chức năng. Cần tăng cường đưa ra những định hướng phát triển thị trường, giúp DN có chiến lược đầu tư phù hợp, hiệu quả.
Nguồn tin: Công thương